Lễ lại mặt là một sự kiện quan trọng sau lễ cưới, mang theo những giá trị truyền thống và giá trị tinh thần gia đình đặc biệt. Trong bài viết dưới đây, TIFF sẽ cùng bạn đọc khám phá ý nghĩa, các nghi lễ quan trọng và những điều cần biết để hiểu rõ hơn về truyền thống đặc biệt này trong văn hóa Việt Nam.
Lễ lại mặt là gì? Ý nghĩa của lễ lại mặt?
Lễ lại mặt là gì?
Lễ lại mặt (còn được gọi với các tên như lễ nhị hỷ, lễ tứ hỷ) là một truyền thống văn hóa quan trọng trong lễ cưới của người Việt Nam. Phong tục lễ lại mặt ra đời dựa trên tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình nhà chồng đối với cô dâu. Thông thường, sau lễ cưới, tân nương thường sẽ cảm thấy nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Vì vậy, đây là dịp để đôi vợ chồng mới cưới trở về thăm gia đình nhà vợ.
Lễ lại mặt không chỉ giúp cô dâu vơi bớt nỗi nhớ nhà, mà còn là dịp để cha mẹ cô dâu chia sẻ, động viên con gái trước những băn khoăn và bỡ ngỡ của cuộc sống hôn nhân. Bên cạnh đó, lễ lại mặt cũng đánh dấu lần thăm hỏi bố mẹ vợ chính thức đầu tiên của chú rể sau đám cưới, với tư cách là một người con rể hiếu thuận.
Lễ lại mặt diễn ra ở đâu, khi nào?
Theo truyền thống, lễ lại mặt sẽ được tổ chức tại nhà gái và diễn ra sau ngày cưới 1 ngày (lễ nhị hỷ) hoặc 3 ngày (lễ tứ hỷ). Tuy nhiên, thời gian này có thể xê dịch trong một vài tuần đầu sau khi cưới, tuỳ thuộc vào lịch trình của cặp đôi mới cưới, hoặc khoảng cách địa lý giữa các gia đình. Trên thực tế, một số cặp vợ chồng vì có khó khăn trong việc sắp xếp lịch đã lựa chọn bỏ qua dịp lễ này, hoặc tổ chức cùng với dịp Tết trong năm đó.
Lễ lại mặt gồm những gì?
Có những ai trong lễ lại mặt sau 3 ngày cưới?
Lễ lại mặt nhà gái là dịp để cặp đôi mới cưới về thăm hỏi gia đình vợ, nên những người tham gia vào lễ lại mặt sau cưới thường có cô dâu chú rể, bố mẹ cô dâu, và anh chị em trong nhà nếu có. Ngoài ra, vì buổi lễ mang tính chất riêng tư nên gia đình cũng không cần mời làng xóm hay họ hàng như trong lễ cưới. Còn trong trường hợp nhà gái có nhà bà con ở gần, cặp đôi chỉ cần thu xếp ghé chơi cho phải đạo con cháu, không cần mở tiệc hay thông báo rình rang.
Lễ lại mặt thường bao gồm cô dâu chú rể, và bố mẹ cô dâu, anh chị em trong nhà
Xem ngay: Lễ dạm ngõ cần những gì? Thủ tục lễ dạm ngõ chi tiết nhất
Những nghi thức trong lễ lại măt nhà gái gồm những gì?
Lễ lại mặt sau 3 ngày cưới không cầu kỳ như các lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi hoặc tiệc cưới. Thay vào đó, đây là một buổi gặp gỡ và nói chuyện thân tình giữa cô dâu, chú rể, và gia đình của cô dâu, bao gồm bố mẹ và anh chị em nếu có. Sau khi chào hỏi và biếu quà, đôi vợ chồng son có thể giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, thắp hương gia tiên và cùng gia đình thưởng thức bữa cơm, chia sẻ những câu chuyện.
Cần chuẩn bị những lễ vật gì trong lễ lại mặt?
“Lễ lại mặt sau cưới gồm những gì?” dường như là câu hỏi rất được quan tâm từ các đôi vợ chồng son. Ngày nay, lễ vật trong lễ lại mặt sau cưới được giản lược đi rất nhiều. Giỏ hoa quả, gói bánh, hộp trà, chai rượu, v.v sẽ là những lựa chọn hiện đại của các cặp đôi. Nếu gia đình chàng rể dư dả thì nên chuẩn bị thêm một chiếc phong bì nhỏ để biếu bố mẹ vợ.
Về phía nhà gái, bố mẹ cô dâu sẽ làm một mâm cơm thân mật để chào mừng đôi vợ chồng son. Tuỳ vào điều kiện mỗi gia đình, bố mẹ vợ có thể chiêu đãi con rể bằng những đặc sản địa phương, hoặc những món ăn truyền thống của gia đình.
Lễ vật trong lễ lại mặt ngày nay thường đơn giản
Nên mặc trang phục gì trong lễ lại mặt sau 3 ngày cưới?
Không cần lộng lẫy và sang trọng như trong tiệc cưới, cô dâu chú rể chỉ cần chuẩn bị những bộ đồ thường ngày đơn giản và lịch sự. Chú rể có thể lựa chọn áo phông hoặc áo sơ mi kết hợp cùng quần dài, trong khi cô dâu có thể diện những chiếc váy nhẹ nhàng, thanh lịch.
Ngoài ra, các cặp vợ chồng son nên ưu tiên yếu tố dễ chịu và thoải mái khi lựa chọn trang phục, để có thể xông xáo giúp bố mẹ chuẩn bị bữa cơm thân mật.
Các cặp đôi nên lựa chọn những bộ quần áo đơn giản, lịch sự và thoải mái
Xem ngay: Phong cách trang trí lối đi sân khấu tiệc cưới ấn tượng cho ngày chung đôi
Những điều cần lưu ý trong lễ lại mặt
Dù chỉ là một buổi gặp mặt nho nhỏ, vẫn có một vài lưu ý cho cô dâu chú rể như sau:
- Không được về một mình: Lễ lại mặt bắt buộc phải có sự góp mặt của cả cô dâu và chú rể. Sự xuất hiện của một người sẽ thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các bậc tiền bối, và khiến nhà gái nghĩ rằng đôi vợ chồng son đang có cãi vã. Trong trường hợp có việc bận đột xuất, các bạn nên báo ngay cho gia đình và xin lùi lịch lại mặt đến khi cả hai đều có thể cùng tham dự.
- Không tới nhà gái muộn: Các bạn nên xếp lịch để đến thăm bố mẹ vợ từ sáng sớm. Điều này sẽ giúp các bạn có nhiều thời gian hơn cho bố mẹ và thăm hỏi hàng xóm xung quanh. Ngoài ra, các bạn không nên về nhà gái lúc trưa muộn hoặc tối muộn, khi ấy bữa cơm đã được dọn xong, và như vậy gia đình vợ sẽ có cảm giác như đang đón khách, thay vì đón các con về.
- Không được đến tay không: Dù đã là người một nhà, cô dâu chú rể nhất định phải chuẩn bị quà trong lễ lại mặt nhà gái. Dù ít hay nhiều, chỉ cần có một món quà, gia đình vợ sẽ cảm nhận được tấm lòng của chú rể đối với gia đình nhà vợ.
Các cặp đôi nên xếp lịch về thăm bố mẹ vợ từ sáng sớm để dành cho họ nhiều thời gian hơn
Trên đây là bài viết giới thiệu về những điều cần biết trong lễ lại mặt từ TIFF. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về ý nghĩa của lễ lại mặt thân tình này, đồng thời có thêm những gợi ý về lễ vật, trang phục và những lưu ý trước khi về thăm gia đình nhà gái.
Xem ngay: Mâm quả cưới gồm những gì? Cách chuẩn bị, ý nghĩa của mâm quả đám hỏi