Lễ thành hôn luôn được xem là một ngày quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Đây chính là dấu mốc minh chứng cho việc cô dâu và chú rể chính thức nên vợ nên chồng. Trong bài viết lần này của TIFF, hãy cùng tìm hiểu xem lễ thành hôn là gì và cần chuẩn bị những gì cho sự kiện quan trọng này nhé!
Lễ thành hôn là gì?
Lễ thành hôn (lễ cưới) là ngày chú rể sang nhà gái xin dâu và đón dâu về nhà trai, một sự kiện mà chính thức công nhận cô dâu và chú rể đã trở thành vợ chồng. Đây cũng chính là hình thức xin phép và thông báo với tổ tiên, dòng họ hai bên cũng như các vị khách mời rằng gia đình đã có thêm một nàng dâu hiền, một chàng rể thảo trước sự chứng kiến của tất cả khách mời.
Lễ thành hôn có thể diễn ra theo cách truyền thống hoặc hiện đại, theo từng phong tục khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, tôn giáo và quy định pháp luật của từng quốc gia.
Lễ thành hôn thường bao gồm các nghi lễ và buổi tiệc mừng với các hoạt động như trao nhẫn cưới, thề nguyện, các bài phát biểu của đôi bên gia đình, cắt bánh mừng và rót rượu,… Trong một số trường hợp, lễ cưới cũng có thể bao gồm các hoạt động trò chơi, tiệc cưới và các hoạt động giải trí khác.
Lễ thành hôn là một dịp trọng đại trong đời người và thể hiện sự cam kết và tình yêu giữa đôi bạn trẻ. Nó cũng đánh dấu sự khởi đầu của cuộc sống gia đình viên mãn về sau.
Phân biệt lễ thành hôn, vu quy, tân hôn, đính hôn
Hiện nay có nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa các khái niệm về lễ thành hôn, lễ vu quy, tân hôn hay đính hôn. Sau đây, TIFF sẽ giải đáp và phân biệt giúp bạn những khái niệm này.
Lễ đính hôn
Lễ đính hôn, còn được gọi là lễ ăn hỏi (miền Bắc), là một trong những nghi thức quan trọng trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt Nam. Lễ đính hôn đánh dấu sự chuyển đổi trạng thái của cô gái từ tư cách “người yêu” sang “vợ sắp cưới” của chàng trai. Trong lễ đính hôn, gia đình của chàng trai mang theo tráp ăn hỏi (mâm quả) và đến nhà gia đình của cô gái. Lễ vật này thường bao gồm các quà và lễ phẩm có giá trị tượng trưng, như trầu cau, bánh kẹo, rượu thuốc, và các loại trái cây. Khi nhà gái chấp nhận lễ vật, đó là một sự chấp thuận chính thức về việc gả con gái cho gia đình trai.
Xem ngay: Lễ dạm ngõ cần những gì? Thủ tục lễ dạm ngõ chi tiết nhất
Lễ vu quy
Lễ vu quy được hiểu là buổi tiệc cưới được tổ chức tại gia đình nhà gái, do từ “vu quy” trong tiếng hán có nghĩa là “về nhà chồng”. Trong buổi lễ này, nhà trai sẽ di chuyển tới nhà gái, nơi cô dâu chú rể sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, bái lạy cha mẹ vợ để tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục cô dâu nên người. Với ý nghĩa trên, thuật ngữ “lễ vu quy” chỉ được sử dụng trong việc trang trí các yếu tố liên quan đến gia đình nhà gái trong đám cưới, chẳng hạn như thiệp cưới, bảng hiệu, phông cưới và cổng hoa cưới.
Lễ tân hôn
Lễ tân hôn chỉ là tên gọi khác của lễ thành hôn, và là cách gọi được dùng chủ yếu ở miền Nam. Đây là nghi lễ đón cô dâu mới về nhà chồng và thường được tổ chức tại nhà trai. Trong lễ tân hôn, cô dâu và gia đình của cô dâu sẽ được đón tiếp bằng các nghi thức truyền thống theo từng vùng miền. Lễ tân hôn là dịp đánh dấu mốc cô dâu sẽ chuyển sang sinh sống tại nhà chồng.
Trong lễ tân hôn, nhà trai thường phải chuẩn bị nhiều hơn so với nhà gái, bởi vì đây là nơi diễn ra nghi lễ và tiệc mừng chính. Nhà trai sẽ trang trí, dọn dẹp và chuẩn bị đồ cúng để tiếp đón cô dâu và gia đình cô dâu. Lễ tân hôn là một sự kiện vô cùng ý nghĩa trong đám cưới, nó thể hiện sự chào đón và thể hiện sự gắn bó giữa gia đình hai bên. Đây là dịp để tạo ra một không gian vui vẻ và ấm cúng, nơi mọi người có thể giao lưu, gặp gỡ và tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc của cặp đôi mới cưới.
Lễ thành hôn gồm những ai tham gia?
Lễ thành hôn thường có sự tham gia của cả hai bên gia đình, họ hàng, bạn bè của cô dâu và chú rể, cùng với bạn bè của bố mẹ cô dâu và chú rể. Vì vậy, số lượng người tham dự lễ thành hôn thường khá đông. Với số lượng người tham gia như vậy, gia đình hai bên có thể lựa chọn tổ chức hôn lễ tại nhà trai hoặc lựa chọn một địa điểm tổ chức tiệc cưới tại khách sạn, nhà hàng.
Hôn lễ nếu như được tổ chức tại nhà trai sẽ tạo được cảm giác ấm cúng, thân mật, giúp dễ dàng gắn kết tình cảm hai bên gia đình. Trong trường hợp tổ chức lễ thành hôn tại nhà hàng hoặc khách sạn, ngoài việc vẫn tạo được sự gắn kết hai bên thì còn cung cấp không gian rộng rãi, phù hợp để mọi người thoải mái di chuyển và tham gia vào các hoạt động trong lễ cưới.
Xem ngay: Phong cách trang trí lối đi sân khấu tiệc cưới ấn tượng cho ngày chung đôi
Các bước chuẩn bị cho lễ thành hôn
Ngày tổ chức lễ thành hôn là thời điểm quan trọng nhất trong chuỗi ngày chuẩn bị cho đám cưới của cô dâu và chú rể. Để chương trình có thể diễn ra một cách suôn sẻ nhất, cần có các bước chuẩn bị và sắp xếp.
Dưới đây là một số bước chuẩn bị cơ bản nhất mà TIFF muốn chia sẻ đến bạn
Bước 1: Dự trù kinh phí lễ thành hôn
Tùy vào từng đám cưới mà kinh phí chuẩn bị sẽ có sự khác nhau. Kinh phí tổng cộng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng khách mời, địa điểm tổ chức, mức độ hoành tráng và các yêu cầu riêng của cặp đôi.
Bước 2: Chọn ngày cưới và địa điểm cưới
Về ngày cưới: Các gia đình thường có quan niệm đi xem thầy để có thể chọn được ngày cưới đẹp nhất cho đôi bạn trẻ. Có một số điều được cho là kiêng kị như tránh những ngày đầu và cuối tháng âm lịch ở miền Bắc, hay tránh ngày mùng 1, ngày rằm và ngày Phật đản ở miền Nam.
Bước 3: Chụp ảnh cưới và chọn trang phục đám cưới
Thông thường, các cặp đôi sẽ lựa chọn đi chụp ảnh cưới từ 2-3 tháng trước khi đám cưới diễn ra. Sẽ có 2 sự lựa chọn cho đôi bạn trẻ đó là chụp trong studio hoặc chọn chụp ảnh cưới ngoài trời.
Đối với trang phục cưới, chú rể cần chuẩn bị cho mình một bộ vest chỉn chu, còn cô dâu sẽ cần phải chuẩn bị từ 2-3 bộ váy cưới khác nhau để có thể phục vụ cho ngày cưới.
Bước 4: Đặt thiệp cưới
Gia đình hai bên cần đặt làm thiệp cưới trong khoảng từ 30-45 ngày trước khi đám cưới diễn ra, bởi khi đó ngày cưới gần như đã được ấn định và nếu có vấn đề gì thì vẫn có thể xử lý kịp thời. Sau đó, cần gửi thiệp cho khách mời từ 8-10 ngày trước đám cưới để khách mời có thể kịp thời sắp xếp công việc riêng.
Ngoài các bước trên, gia đình hai bên cũng cần tự chuẩn bị tiệc cưới hoặc lên kế hoạch thuê đơn vị tổ chức đám cưới để phục vụ những món ăn ngon miệng nhất tới cho khách mời.
Xem ngay: Mâm quả cưới gồm những gì? Cách chuẩn bị, ý nghĩa của mâm quả đám hỏi
Lễ thành hôn gồm những gì?
Tùy vào mỗi vùng miền sẽ có những phong tục tổ chức lễ thành hôn khác nhau. Dưới đây là những bước tổ chức một lễ thành hôn điển hình tại miền Nam mà TIFF muốn chia sẻ đến bạn.
Tổ chức lễ vu quy tại nhà gái
Nhà trai sang nhà gái làm lễ nhập gia
Theo ngày giờ đã chọn từ trước, nhà trai sẽ tiến hành đi sang nhà gái để xin làm lễ nhập gia hay còn gọi là lễ đón dâu. Cụ thể sẽ có một đại diện nhà trai vào chào hỏi và phát biểu xin phép được đưa cô dâu về nhà trai. Sau đó, nếu nhà gái chấp thuận thì hai bên sẽ uống 2 ly rượu và phụ rể sẽ báo cho nhà trai tiến hành vào làm lễ.
Nhà trai trao mâm quả cưới và phát biểu xin dâu
Sau khi được thông báo, dàn phù rể bưng mâm quả sẽ di chuyển tới cổng nhà gái, đứng đối xứng với dàn phù dâu để trao mâm quả. Sau đó họ sẽ cùng nhau di chuyển vào phía trong nhà gái. Nhà trai và nhà gái lần lượt giới thiệu hai bên gia đình theo vai vế từ lớn đến nhỏ, sau đó nhà trai sẽ cử đại diện lên phát biểu về mục đích của buổi lễ và trình sính lễ cho đại diện họ nhà gái.
Nhà trai làm lễ xin dâu
Ở trong bước này, nhà trai sẽ xin phép cho chú rể lên đón cô dâu xuống để ra mắt hai bên gia đình. Sau đó, cô dâu và chú rể sẽ thắp hương gia tiên và tiến hành đọc lời khấn. Trong quá trình làm lễ gia tiên, có một điều kiêng kị đó là không được động tới dao kéo bởi theo quan niệm dao kéo sẽ có thể làm đường tình duyên của đôi bạn trẻ sau này gặp trắc trở.
Cô dâu và chú rể dâng trà/ rượu lễ
Sau khi làm lễ gia tiên, cô dâu và chú rể sẽ mời trà/ rượu cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Cô dâu và chú rể đứng giữa trao nhẫn cưới trước sự chứng kiến của mọi người. Đồng thời lúc này, mẹ chồng hoặc bậc trưởng thượng nhà gái cũng trao cho cô dâu dây chuyền, bông tai,…
Hai gia đình ăn bánh kẹo, uống trà, sau đó đại diện nhà trai sẽ xin phép được đón cô dâu về. Trước khi nhà trai ra về, nhà gái tiến hành nghi thức “trao lại lễ quả” cho nhà trai ở trước cổng như lúc nhà trai xin làm lễ nhập gia.
Tổ chức lễ tân hôn tại nhà trai
Nhà trai thực hiện lễ đón dâu
Lễ đón dâu diễn ra từ lúc nhà trai rước dâu đến khi xe hoa về tới nhà trai và đứng cách cổng nhà trai khoảng 100 – 200m để chuẩn bị làm lễ nhập trạch. Chờ tới giờ hoàng đạo, mẹ chú rể sẽ dắt cô dâu và chú rể để vào nhà làm lễ gia tiên.
Cô dâu ra mắt nhà trai và làm lễ gia tiên
Tương tự như lúc ở nhà gái, cô dâu sẽ ra mắt nhà trai rồi cùng chú rể lên bàn thờ gia tiên để thắp hương tổ tiên và cầu khấn. Theo một số phong tục truyền thống, cô dâu chú rể sẽ làm thêm lễ tơ hồng – quỳ trước bàn thờ gia tiên nghe chủ hôn đọc bài văn tế cảm ơn gia tiên rồi uống chung một ly rượu để thể hiện ý nguyện chia ngọt sẻ bùi trong tương lai.
Cô dâu và chú rể làm lễ dâng trà
Tương tự như khi ở bên nhà gái, cặp đôi trẻ sẽ mời các bậc trưởng bối trà hoặc rượu lễ và đón nhận những lời chúc phúc và những món quà từ khách mời, gia đình và người thân. Sau đó, nhà trai có thể mời nhà gái ăn tiệc trưa hoặc hai gia đình cùng dùng trà – bánh, nói chuyện và thưởng thức âm nhạc để thắt chặt tình thông gia hai bên.
Như vậy, trên đây TIFF đã chia sẻ bài viết về chủ đề lễ thành hôn bao gồm phân biệt lễ thành hôn và các thủ tục khác trong một đám cưới, cũng như mô tả sơ qua về một lễ thành hôn truyền thống . Hi vọng những thông tin trên sẽ thực sự hữu ích, giúp các cặp đôi có ý định trang trí tiệc cưới khách sạn sẽ có thể lựa chọn cho mình một phong cách trang trí ưng ý nhất!
Xem ngay: Phù dâu là gì? Tất tần tật các điều phù dâu, phù rể trong đám hỏi