Bạn lo lắng không biết nên phát biểu trong lễ đính hôn như thế nào để vừa ý nghĩa vừa trọn vẹn? Bạn sợ nói sai, dài dòng, thiếu tự tin khi phát biểu trước đông người?
Đừng lo! Chuyên gia Ngọc Bùi – Wedding Planner với 10 năm kinh nghiệm sẽ hướng dẫn bạn từng bước, chia sẻ các mẫu bài phát biểu và bí quyết tự tin khi nói trước đám đông, bài viết dưới đây chính là “chìa khóa” giúp bạn tỏa sáng trong ngày trọng đại!
Ý nghĩa của lời phát biểu trong lễ đính hôn
Lễ đính hôn không chỉ là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của một cặp đôi, mà còn là dịp để hai gia đình chính thức gặp gỡ, giao lưu và kết nối. Trong không gian trang trọng ấy, những lời phát biểu mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc:
-
Gắn kết hai gia đình: Lời phát biểu trong lễ đính hôn là cầu nối tình cảm giữa hai gia đình. Thông qua những lời chia sẻ chân thành, các thành viên từ hai bên được giới thiệu, hiểu rõ hơn về nhau, xóa bỏ khoảng cách và tạo nên mối quan hệ thân thiết, gần gũi.
-
Chúc phúc cho cặp đôi: Những lời chúc từ người lớn tuổi, đặc biệt là đại diện hai họ, mang ý nghĩa như một lời nguyện chúc. Đây không chỉ là lời nói suông mà còn là sự động viên, khích lệ tinh thần cho cặp đôi bước vào cuộc sống hôn nhân.
-
Tạo không khí trang trọng, ấm cúng: Lời phát biểu giúp không gian lễ đính hôn trở nên trang trọng, long trọng nhưng vẫn giữ được sự ấm áp, gần gũi.

Phát biểu trong lễ Đính Hôn diễn ra khi nào?
Trong nghi lễ truyền thống, thời điểm phát biểu được lựa chọn một cách cẩn trọng và ý nghĩa. Thông thường, các bài phát biểu diễn ra ngay sau phần nghi thức trao tráp và cúng tổ tiên, khi không khí buổi lễ đã trở nên trang trọng và xúc động.
Đây là thời điểm quan trọng để các thành viên hai gia đình bày tỏ tình cảm, sự chúc phúc và sự chấp thuận cho mối quan hệ của cặp đôi.
Đại diện phát biểu trong lễ đính hôn là ai?
Việc lựa chọn người phát biểu trong lễ đính hôn được thực hiện hết sức cẩn trọng. Thường thì đại diện sẽ là những thành viên lớn tuổi, có uy tín trong gia đình, đại diện cho hai họ nhà trai và nhà gái. Đó có thể là ông nội, bố, chú, hoặc người anh cả được mọi người kính trọng.
Người được chọn phải có năng lực ăn nói, hiểu rõ ý nghĩa của buổi lễ, và có khả năng bày tỏ tình cảm, nguyện vọng của gia đình một cách chân thành và ý nhị.
Vai trò của họ không chỉ đơn thuần là đọc một bài phát biểu, mà còn là người xây dựng cầu nối tình cảm giữa hai gia đình, thể hiện sự chúc phúc, ủng hộ cho hạnh phúc của cặp đôi.

Cấu trúc bài phát biểu chuẩn
Bài phát biểu trong lễ đính hôn có cấu trúc khá đơn giản nhưng vẫn đầy đủ 3 phần cơ bản dưới đây:
-
Phần mở đầu: Phần mở đầu là cánh cửa đầu tiên để tạo ấn tượng và không khí cho buổi lễ. Đại diện gia đình sẽ bắt đầu bằng những lời chào thân mật, ấm áp, giới thiệu ngắn gọn về bản thân và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến những vị khách đã dành thời gian quý báu đến chung vui. Đây là khoảnh khắc để thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và sự nhiệt tình của gia đình.
-
Phần nội dung: Trong phần nội dung, người phát biểu sẽ đi sâu vào ý nghĩa của buổi lễ, thể hiện sự đồng thuận và hạnh phúc của hai gia đình trước mối quan hệ của cặp đôi. Đó là lúc bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình bên kia đã nuôi dưỡng, giáo dục và hun đúc nên người con trai hay con gái mà mình yêu quý. Những lời chia sẻ chân thành, mang đậm tình cảm gia đình sẽ tạo nên không khí xúc động và gần gũi.
-
Phần kết thúc: Phần kết thúc là điểm nhấn quan trọng của bài phát biểu. Tại đây, người phát biểu sẽ gửi những lời chúc phúc nồng nhiệt nhất đến cặp đôi, mong họ xây dựng được một tổ ấm hạnh phúc, viên mãn. Đồng thời, một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả mọi người đã góp mặt, chúc mọi người sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.
Cấu trúc bài phát biểu có thể linh hoạt thay đổi tùy hoàn cảnh và mong muốn của người nói, nhưng vẫn cần đảm bảo sự trang trọng và ý nghĩ cho ngày lễ trọng đại.

Một số mẫu bài phát biểu trong lễ đính hôn
Dưới đây là một vài mẫu bài phát biểu trong lễ đính hôn cho đại diện hai họ mà bạn có thể tham khảo.
Mẫu bài phát biểu lễ ăn hỏi nhà trai
Bài số 1
Kính thưa các cụ, các ông, các bà và toàn thể quan khách, tôi là… (bác/chú/đại diện của nhà trai). Hôm nay, rất vinh dự khi được thay mặt gia đình nhà trai phát biểu đôi lời trong buổi lễ trọng đại này. Lời đầu tiên, cho phép tôi gửi lời chào và chúc sức khỏe đến tất cả quý vị có mặt.
Hôm nay, đoàn nhà trai/gái chúng tôi gồm ông bà nội, bố mẹ, và các bác, chú cùng anh chị em thân thiết. Chúng tôi đến đây với mong muốn chúc mừng và chứng kiến khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của hai cháu. Hôm nay, đoàn nhà trai chúng tôi mang đến những sính lễ truyền thống, với mong muốn xin phép gia đình nhà gái gả cháu B về làm dâu nhà chúng tôi. Hy vọng rằng buổi lễ hôm nay sẽ là khởi đầu cho mối quan hệ bền chặt giữa hai bên.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình nhà gái vì sự đón tiếp nồng hậu. Xin chúc hai cháu trăm năm hạnh phúc, sống vui vẻ và hòa thuận. Mong rằng, từ đây, hai gia đình sẽ gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Bài số 2
Kính chào tất cả mọi người đã đến tham dự buổi lễ ăn hỏi của hai gia đình chúng tôi ngày hôm nay. Tôi xin được gửi đến mọi người lời chúc sức khỏe và lời cảm ơn chân thành nhất.
Tiếp theo đây tôi xin phép giới thiệu về phái đoàn nhà trai ngày hôm nay. Bao gồm có tôi (giới thiệu tên) – đại diện họ nhà trai và là bố/bác/chú/đại diện của nhà trai. Bên cạnh tôi là bố/mẹ chú rể… và các thành viên khác trong gia đình.
Thưa quý vị, hai cháu cũng đã có thời gian làm quen, tìm hiểu nhau hơn X năm rồi, nay hai cháu quyết định tiến tới hôn nhân. Vậy nên hôm nay chúng tôi chuẩn bị cơi trầu, trà bánh,… mang sang chính thức ngỏ lời xin phép nhà gái chấp thuận chuyện trăm năm của hai con.
Tôi xin hứa gia đình chúng tôi sẽ yêu thương, đùm bọc cháu…(tên cô dâu), coi con dâu là con cái trong nhà để chăm sóc, chia sẻ. Và cũng mong ông bà đồng ý để…(tên chú rể) được trở thành con rể của gia đình. Xin chân thành cảm ơn.
Bài số 3
Kính thưa quan viên hai họ cùng các vị quan khách có mặt ở đây. Trước tiên tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất của toàn thể nhà trai tới gia đình nhà gái và kính chúc các ông, các bà bên họ nhà gái sức khỏe dồi dào làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc.
Tôi xin phép được giới thiệu thành phần gia đình nhà trai hôm nay: Tôi là …(họ và tên), bác của cháu A và là đại diện nhà trai. Còn đây là … (tên) bố/mẹ chú rể và các thành viên khác trong gia đình.
Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu lẫn nhau, tình cảm đã đến hồi chín muồi, cháu A và cháu B mong muốn được về cùng nhau dưới một mái nhà, được làm vợ làm chồng của nhau. Thể theo nguyện vọng của hai cháu và sự cho phép của nhà gái hôm nay đoàn nhà trai chúng tôi đến đây xin được ra mắt với nhà gái và xin phép họ nhà gái tác thành cho hai cháu.
Đến với lễ ăn hỏi hôm nay, nhà trai chúng tôi chuẩn bị X (số lượng) tráp lễ vật đưa tới nhà gái, mong nhà gái chấp thuận để hai cháu nên vợ nên chồng. Tôi xin được mời mẹ của cháu A và mẹ cháu B cùng nhau mở tất cả các tráp lễ mà nhà trai đưa đến. Nhà trai chúng tôi cũng hy vọng gia đình nhà gái sẽ chấp thuận lễ vật và đồng ý cho hai cháu nên duyên hạnh phúc.
Thay mặt gia đình nhà trai, tôi xin cảm ơn gia đình nhà gái đã đón tiếp chu đáo để buổi lễ ăn hỏi hôm nay thành công tốt đẹp. Đối với hai cháu A và B, nay hai cháu đã là con trong gia đình, chúng tôi hy vọng cả hai sẽ yêu thương nhau, cùng nhau sát cánh trên con đường đời và làm tròn bổn phận con cháu với cả hai nhà.
Mẫu bài phát biểu lễ ăn hỏi nhà gái
Bài số 1
Trước tiên tôi tự giới thiệu, tôi là…(họ và tên), là ông/bác/chú/cậu của cháu B và là đại diện của họ nhà gái. Tham dự buổi lễ ăn hỏi hôm nay, nhà gái chúng tôi có bố mẹ, các bác, dì dượng và anh chị của cháu B.
Hôm nay ngày lành tháng tốt và nhà trai đã có lời thưa chuyện nên trước hết, gia đình nhà gái chúng tôi xin trân trọng cảm ơn nhà trai đã chuẩn bị lễ vật chu đáo. Chúng tôi cũng xin được chấp thuận để hai cháu tiến đến hôn nhân. Từ giờ phút này, coi như cháu A và cháu B đã là con dâu, con rể của cả hai nhà, nếu hai cháu có nhỏ dại, mong gia đình dạy dỗ hai cháu để cả hai làm tròn bổn phận con cháu.
Nhà gái chúng tôi cũng hy vọng cuộc sống vợ chồng của hai cháu sẽ suôn sẻ, hạnh phúc bên nhau trọn đời. Thay mặt gia đình nhà gái, tôi xin mời nhà trai uống chén nước, ăn miếng trầu mừng hạnh phúc cho hai cháu.
Bài số 2
Kính thưa toàn thể quý vị, các bậc phụ huynh, anh chị em cùng bạn bè, người thân đã đến tham dự lễ ăn hỏi của con gái tôi B (tên cô dâu) và A (tên chú rể).
Đại diện gia đình nhà gái, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình nhà trai đã đến tham dự và mang đến những lễ vật ý nghĩa.
Thực sự chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến con gái chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời, tìm được người đồng hành đáng tin cậy để xây dựng nên tổ ấm mới cho riêng mình. Chúng tôi tin rằng không chỉ hai cháu mà cả gia đình hai bên cũng sẽ cùng nhau cố gắng góp phần cho hạnh phúc của hai cháu được dài lâu, vững bền.
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn tất cả mọi người. Xin chúc cho hai cháu sẽ luôn yêu thương, săn sóc và hành phúc lâu dài.
Bài số 3
Lời đầu tiên cho tôi xin phép được tự giới thiệu, tôi là … (họ và tên) là ông/bác/chú/cậu của cháu … (tên cô dâu) đại diện cho đằng nhà gái cùng các thành viên trong gia đình chúng tôi xin được gửi lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe tới toàn thể vị khách quý có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay.
Cũng như những lời phát biểu của đại diện bên họ nhà trai, quả đúng thật hôm nay chính là ngày lành tháng tốt, và cũng là ngày bên mà đằng nhà trai đã có lời thưa chuyện. Trước hết gia đình chúng tôi vẫn xin được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến bên họ nhà trai vì sự chuẩn bị vô cùng chu đáo trong ngày hôm nay.
Tôi xin phép thay mặt cho gia đình đằng nhà gái đồng ý để hai cháu được tự do tìm hiểu và ngày lành tháng tốt đã đến được kết duyên vợ chồng. Tôi cũng xin được tuyên bố kể từ giờ phút này trở đi: hai cháu…(tên cô dâu) và…(tên chú rể) đã chính thức là dâu và là rể trong nhà. Hai cháu còn trẻ và cũng còn khá nhiều những bỡ ngỡ nên kính mong toàn thể gia đình hai bên dạy dỗ và nhắc nhở để hai cháu có thể hoàn thành tốt được bổn phận và nghĩa vụ làm con vợ chồng và con cháu trong nhà.
Gia đình nhà gái cũng xin phép được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới nhà trai và chúng tôi cũng xin có một số lễ vật lại quả để có thể thay lời cảm ơn gửi về cho gia đình trai. Như đã thống nhất, hai gia đình sẽ gặp lại nhau trong ngày cưới sắp tới đây và chúng tôi xin chúc đoàn nhà trai lên đường thượng lộ bình an, vui vẻ.

Những lưu ý khi phát biểu trong lễ đính hôn
Để đảm bảo bài phát biểu trở nên ý nghĩa và chuyên nghiệp, dưới đây là những lưu ý quan trọng mà bạn cần nắm vững.
-
Chọn người có vai vế, uy tín, có tài ăn nói: Người được chọn cần là thành viên có vai vế, uy tín trong gia đình, sở hữu khả năng ăn nói trôi chảy và thuyết phục.
-
Chuẩn bị, tập dượt từ trước: Người phát biểu nên viết nội dung trước và rà soát kỹ; tập dượt nhiều lần để làm chủ bài phát biểu và điều chỉnh ngôn từ cho phù hợp…
-
Giữ thái độ tự tin, bình tĩnh, nói năng rõ ràng, mạch lạc: Người phát biểu cần đứng thẳng người; nói rõ ràng, mạch lạc; dùng ánh mắt tiếp xúc với mọi người và kiểm soát tốt cảm xúc, giọng điệu
-
Tránh nói quá dài, sử dụng ngôn ngữ không phù hợp hoặc biểu lộ cảm xúc thái quá: Thời lượng phù hợp cho một bài phát biểu là 3-5 phút, đủ để truyền tải thông điệp nhưng không làm mất tập trung của mọi người. Ngôn ngữ sử dụng phải mang tính văn hóa, lịch sự và phù hợp với không gian trang trọng của buổi lễ. Mặc dù lễ đính hôn là sự kiện đầy xúc động, nhưng việc điều chỉnh giọng điệu và nội dung phát biểu một cách tinh tế sẽ giúp buổi lễ trở nên ý nghĩa, chuyên nghiệp và đáng nhớ.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp về phát biểu trong lễ đính hôn
Dưới đây là một số giải đáp chi tiết các các câu hỏi thường gặp khi soạn thảo bài phát biểu cho đại diện hai bên gia đình trong lễ đính hôn:
Phát biểu trong lễ đính hôn nên kéo dài bao lâu?
Thời lượng phù hợp cho bài phát biểu trong lễ đính hôn là 3-5 phút, đủ để truyền tải thông điệp nhưng không làm mất tập trung của mọi người.
Làm sao để tự tin khi phát biểu trước đám đông?
Để tự tin khi phát biểu trước đám đông, bạn có thể áp dụng những mẹo sau:
-
Luyện tập trước: Chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, tập phát biểu trước gương hoặc nhờ người thân góp ý.
-
Hít thở sâu: Trước khi bắt đầu, hít thở sâu để giảm căng thẳng và giữ tinh thần thoải mái.
-
Tập trung vào nội dung: Đặt trọng tâm vào thông điệp bạn muốn truyền tải thay vì lo lắng về khán giả.
-
Tạo giao tiếp mắt: Nhìn vào một số người thân quen trong đám đông để cảm thấy gần gũi hơn.
Phát biểu trong lễ đính hôn có cần phải thuộc lòng không?
Không bắt buộc phải thuộc lòng bài phát biểu. Bạn có thể chuẩn bị sẵn một số ghi chú nhỏ để đảm bảo không bỏ sót các ý chính. Việc này giúp bạn trình bày tự nhiên, chân thành mà không bị áp lực phải nhớ từng từ.
Sự khác nhau giữa bài phát biểu lễ đính hôn và lễ cưới là gì?
-
Lễ đính hôn: Lời phát biểu tập trung vào việc gắn kết hai gia đình, gửi lời cảm ơn và chúc phúc cho cặp đôi. Nội dung mang tính thân mật, ấm cúng và không cần quá dài.
-
Lễ cưới: Lời phát biểu mang tính trang trọng hơn, nhấn mạnh về ý nghĩa thiêng liêng của hôn nhân. Nội dung thường bao gồm lời tri ân đến gia đình hai bên và lời chúc hạnh phúc lâu dài cho cặp đôi.
Lời kết
Lễ đính hôn không chỉ là một nghi thức quan trọng mà còn là dấu mốc ý nghĩa, mở đầu cho chặng đường hạnh phúc của cặp đôi. Một bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng, chân thành sẽ góp phần tạo nên không khí trang trọng, ấm cúng và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người tham dự.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về “Mẫu phát biểu hay, ý nghĩa trong lễ đính hôn“ hoặc muốn một bài phát biểu thật tinh tế, đầy cảm xúc, đừng ngần ngại liên hệ với TIFF để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ tận tình nhé!